[tintuc]

Yên Bái: Nghiên cứu, gây trồng dược liệu quý, góp phần tăng thu nhập cho đồng bào vùng cao

Những năm gần đây cả nước ta đang nằm trong tình trạng suy giảm nhanh chóng nguồn cây thuốc và đang báo động về chảy máu dược liệu quý hiếm. Không nằm ngoài tình trạng chung đó, Yên Bái đã và đang có những tín hiệu đáng vui mừng đến từ những cá nhân trong việc nghiên cứu, gây trồng cây dược liệu quý cho đồng bào dân tộc miền núi.
 T
Vanhien.vn năm 2016, đã đăng tải bài viết “Thạc sĩ Lâm học và niềm đam mê bảo tồn nguồn dược liệu quý cho đồng bào dân tộc miền núi”. Sau khi đăng tải chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ bạn đọc, trong đó đa số các doanh nghiệp về Dược và các cá nhân quan tâm đến các loại dược liệu quý hiếm, đã có nhiều phương tiện truyền thông dẫn lại hoặc tiếp tục viết về người cán bộ Kiểm lâm Thạc sĩ Phạm Tiến Thịnh.

Ngày 12/4/2017, Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về phát triển dược liệu Việt Nam tại tỉnh Lào Cai đã được tổ chức. Thạc sĩ Phạm Tiến Thịnh là một trong những người luôn theo sát chủ chương đó đã nghiên cứu ra một số loài cây dược liệu quý, có nhiều công dụng làm thuốc, để vận động bà con tham gia vào gây trồng bảo tồn một số loài cây dược liệu địa phương hướng tới thay đổi cơ cấu cây trồng và phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc vùng cao. Tham mưu cho lãnh đạo về những vấn đề bảo tồn phát triển những cây dược liệu của tỉnh. Sau hơn 1 năm gặp lại những gì anh tiếp tục làm được khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng và khâm phục hơn nữa.

Yên Bái là tỉnh có nguồn dược liệu và cây thuốc tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loai. Đất đai, khí hậu phù hợp với nhiều loài cây, trong đó có nhiều loài cây thuốc quý xuất xứ từ các nguồn khác nhau. Tỉnh có 2 khu bảo tồn thiên nhiên là xã Nà Hẩu của huyện Văn Yên và xã Chế Tạo (Mù Cang Chải) – nơi có thảm thực vật phong phú, khí hậu thổ nhưỡng cực kì thích hợp với các loại cây thuốc, cái loài dược liệu quý hiếm. Theo khảo sát ban đầu của Hội Đông y Yên Bái, trên địa bàn tỉnh hiện có hàng nghìn loài cây thuốc nam và hàng trăm bài thuốc gia truyền. Cùng với Lào Cai, Sơn La và Lai Châu, Yên Bái được mệnh danh là núi thuốc của Tây Bắc.

Ngoài những loài cây thuốc quý như các địa phương khác trong vùng, Yên Bái còn được đánh giá là “thủ phủ” của một số loài cây thuốc nam quý hiếm nhóm IA,IIA và một số cây thảo dược quý khác như: Hoàng liên Chân Gà, cây lan kim tuyến, Hoàng Thảo, Thạch Hộc, Tam Thất Vũ Diệp, Tiết Trúc Sâm, Cốt Toái Bổ, Thất Diệp Nhất Chi Hoa, Hoàng Tinh, Kê Huyết Đằng, Bình Vôi, Hà Thủ Ô, Thổ Phục Linh, Trà Hoa Vàng, Khôi Tía, Hoàng Bá, Sa Nhân, Thảo Quả, Quế Chi .... Ở huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên. Những cây dược liệu này có công dụng tác động trên hệ thống tim, mạch máu, giải nhiệt, kháng u, kháng ký sinh trùng, hạ mỡ trong máu, chống sơ cứng và sơ vữa động mạch, giải độc, chữa rắn cắn, gãy xương, bồi bổ sức khỏe, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.

Bà con dân tộc Mông huyện Mù Căng Chải - Yên Bái trồng dược liệu.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, mặc dù được sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhân dân trong tỉnh đã có kinh nghiệm, tập quán sản xuất một số loại cây dược liệu từ khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác và tiêu thu sản phẩm, nhưng trong phát triển cây dược liệu trên địa bàn gặp phải không ít khó khăn. 

Cụ thể, ở Yên Bái hiện tại vẫn đang ở mức nhỏ lẻ là chủ yếu, còn khai thác cây dược liệu có quy mô lớn hầu như chưa có. Ngoài quế, sơn tra, thảo quả, người dân chủ yếu khai thác cây thuốc theo cách tự nhiên. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác dược liệu bừa bãi, thiếu quy hoạch quản lý bảo tồn, khiến nguồn dược liệu quý hiếm cạn kiệt. Hơn nữa, việc nuôi trồng nguồn dược liệu quý của người dân chủ yếu tự phát, manh mún, còn với những doanh nghiệp thì thiếu những mô hình, quy hoạch, định hướng phát triển.

Trước thực trạng đó, anh Phạm Tiến Thịnh ngoài việc chính ở Chi cục Kiểm lâm tỉnh, anh luôn dành thời nghiên cứu tài liệu, học hỏi thêm kiến thức Pháp luật, Danh mục loài cây thuốc quý nằm trong sách đỏ Việt Nam và công dụng làm thuốc các loại cây dược liệu, để ưu tiên gây trồng bảo tồn các nguồn gen dược liệu quý hiếm, đặc trưng của tỉnh. Đồng thời hướng dẫn kỹ thuật gây trồng và định hướng cho bà con các loại cây có giá trị kinh tế cao theo quy định pháp luật, thông qua mạng xã hội, các lớp học hoặc trực tiếp tại các vườn ươm… với hy vọng mong bà con thoát nghèo chân chính ngay trên quê hương mình, ngay với những cái gần gũi nhất. Hiện nay, anh Thịnh được coi là người đi đầu trong công tác bảo tồn nguồn gen và phát triển các loại cây dược liệu quý ở Yên Bái.

Dược liệu quý được trồng ở vùng cao Yên Bái.
Anh Thịnh chia sẻ: “Phát triển ngành dược liệu ở địa phương, không chỉ giúp xóa đói, giảm nghèo mà còn giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu. Do đó, rất mong được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành đến các bản làng vùng sâu vùng xa giúp bà con nhận thức đúng về giá trị kinh tế của dược liệu và cây thuốc không chỉ phục vụ cho sản xuất thuốc chữa bệnh, mà còn là loại cây trồng có khả năng tham gia chuyển dịch cơ cấu cây trồng, sản xuất hàng hóa nâng cao giá trị kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững”.

Mặc dù còn những khó khăn nhưng  lĩnh vực dược liệu đang được đông đảo nhân dân quan tâm, đặc biệt sau khi Hội thảo về dược liệu toàn quốc do Chính phủ chủ trì diễn ra thành công tốt đẹp, với những ưu tiên, chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng Chính phủ như: “phát triển dược liệu phải gắn với nhu cầu thị trường, trước hết là đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu. Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện phát triển ngành dược liệu không đồng nghĩa với bao cấp đối với việc nuôi trồng, chế biến, sử dụng dược liệu. Phải đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ, tổ chức quản lý sản xuất theo chuỗi, chế biến sâu, bảo đảm chất lượng; tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn để phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực dược liệu; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm dược liệu”. Sẽ là điều kiện thuận lợi, đồng thời là động lực để những người đam mê bảo tồn nguồn dược liệu quý và luôn nung nấu giúp đỡ bà con thoát nghèo từ cây dược liệu như anh Thịnh có thêm động lực và con đường sáng rõ để đi.

Anh Thịnh cho rằng, thời gian tới, một trong những cái cần nhất nữa là các cơ chế thu hút đầu tư của các doanh nghiệp dược trong và ngoài tỉnh để phát huy lợi thế của một tỉnh miền núi còn nhiều tiềm năng về rừng và đất rừng trong hoạt động bảo tồn, khoanh nuôi, trồng và thu hái, chế biến dược liệu, sản xuất hàng hoá dược liệu, thuốc y học cổ truyền tại Yên Bái. Đi đôi với đó là phải điều tra đánh giá đúng thực trạng sử dụng tài nguyên rừng và đất rừng Yên Bái để có chính sách cụ thể phát triển theo vùng dược liệu, cây thuốc nam của tỉnh. Để bảo tồn được nguồn gen quý, cần có quỹ đất sạch, quy mô phù hợp để doanh nghiệp có đầu ra ổn định, xây dựng mô hình trung tâm nuôi trồng mẫu, chế biến, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm là hạt nhân để phát triển dược liệu vùng là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao đang được quan tâm.

Có thể nói, mọi sự mới chỉ bắt đầu và sẽ còn rất gian nan, nhưng những gì đã nói ở trên đây là những tín hiệu đáng vui mừng cho lĩnh vực nghiên cứu, gây trồng các loại cây dược liệu. Nó vừa bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý bản địa, vừa giúp bà con thoát nghèo. Điều đáng ghi nhận hơn nữa là những tín hiệu vui đó không phải từ một tổ chức mà đến từ những cá nhân, từ ý thức cá nhân của những con người yêu mảnh đất quê hương Yên Bái, luôn mong muốn bà con phát triển đi lên bền vững từ những thế mạnh vốn có của địa phương - đây cũng chính là một trong những cái cốt lõi, cái căn bản mà mọi chủ trương chính sách về kinh tế đều muốn hướng đến.
[/tintuc]

SẢN PHẨM TƯƠNG TỰ

NHẬN XÉT